Khuyết Tật
Học viên lớp tập huấn “Chăm sóc giảm nhẹ” đi thực tế tại Định Quán
Học viên lớp tập huấn “Chăm sóc giảm nhẹ” đi thực tế tại Định Quán
26 học viên khóa tập huấn “Chăm sóc giảm nhẹ cho người khuyết tật” sáng Chủ Nhật 29/11/2020 đã tham gia chuyến đi thực tế tại thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Đây là một trong những nơi mà Chương trình Chăm sóc Giảm nhẹ của Dự án mà Hội Người Khuyết Tật Việt Nam VNAH đang thực hiện khá thành công. Buổi tham quan là chương trình đặc biệt của khóa tập huấn. Các học viên có cơ hội “quan sát tại chỗ, cũng như học hỏi kinh nghiệm của những người đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân khuyết tật”. Cô Nguyễn Ánh Chí, giảng viên hướng dẫn khóa tập huấn, nhấn mạnh tầm quan trọng của bài học trực quan này. Điều mà theo cô, “không có trong bất kỳ giáo trình trên lớp nào”.
Trung tâm điều dưỡng – phục hồi chức năng
Xe chở đoàn khởi hành lúc 5 giờ sáng. Trời chuyển mùa lành lạnh. Những chiếc bánh giò, bánh ú nóng hổi chuyền tay nhau làm tăng thêm không khí náo nức của chuyến tham quan. Vừa điểm tâm trên xe, nhiều anh chị thú thật, “3 giờ sáng đã lục đục thức dạy rồi!”.
Khoảng 7 giờ xe đã ra khỏi cao tốc, đến ngã ba Dầu Giây, rẽ theo quốc lộ 20 hướng đi Đà Lạt, chạy thẳng qua Gia Kiệm, Dốc Mơ, và đến Định Quán lúc 7g30. Ngay cạnh hòn chồng trước khi vào thị trấn là nơi đoàn ghé thăm đầu tiên: Trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh huyện Định Quán.
Cô Lương Thanh Kỳ, chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ Định Quán, đại diện ban giám hiệu trung tâm và các anh chị trong dự án “Chăm sóc giảm nhẹ” đã tiếp đón và hướng dẫn cả đoàn đi tham quan cơ sở.
Thấy bóng tôi leo lên ngọn hòn chồng, cả đàn bồ câu vỗ cánh bay lên. Khung cảnh sớm mai và những dãy nhà của trung tâm nằm chen với những vách đá hòn chồng sừng sững trông thật thanh bình!
Trước kia Định Quán là huyện nằm trong vùng Chiến Khu D, vùng chiến địa ảnh hưởng nặng nề bởi vũ khí hóa học. Theo phòng Thương Binh và Xã Hội huyện Định Quán, hiện nay toàn huyện có khoảng 1.200 người bị nhiễm chất độc hóa học. Đa số các nạn nhân bị dị tật bại não, bại liệt, ung thư, thần kinh, thiểu năng trí tuệ. Do đó sự ra đời của trung tâm từ tháng 10/2010 có một ý nghĩa nhân đạo hết sức đặc biệt.
Bước vào phòng Tâm vận động, chúng tôi ấn tượng trước những dụng cụ được trang bị cho các em khuyết tật phục hồi chức năng. Phòng được hỗ trợ bởi dự ánh USAID DIRECT (from the American people) từ tháng 3/2020. Trị giá 80 triệu đồng. Phòng lót nệm sàn, nệm vách, dày êm, màu sắc rực rỡ. Vách leo núi với các núm bằng nhựa PP gắn trực tiếp lên tường. Các dụng cụ đồ chơi vận động như cầu bập bênh, bể ném bóng, ống chui, dàn nhún, xà đu…tạo nên cả một phòng vui chơi, vận động liên hoàn để chữa bệnh.
Cô Anh Chí cho biết:
- Dự án của VNAH đưa đến đây để giúp cho con em của các nạn nhân chất độc da cam. Dụng cụ trong phòng này giúp các bé hoàn chỉnh vận động. Các bé khuyết tật trí tuệ, bại não…vận động chậm chạp, không giữ được thăng bằng, đi đứng dễ té. Thông qua các dụng cụ này, các bé được hỗ trợ rèn luyện, điều chỉnh vận động tốt hơn. Thí dụ động tác đu, leo…giúp các bé tăng khả năng nhún ép, bước lên một chân, tăng tự tin bước đi vững vàng…Mong Mái Ấm Calcutta cũng được một phòng trang bị như thế này thì tốt quá!
Những nụ cười hạnh phúc
Rời trung tâm điều dưỡng – phục hồi chức năng, xe đưa chúng tôi đến thăm bốn trường hợp khuyết tật khác nhau.
Tại nhà bà Trần Thị Kết, 66 tuổi, bà lăn xe tay vui vẻ ra đón chúng tôi từ cổng. 33 tuổi bà bị liệt do viêm tụy, chồng bỏ, một mình nuôi 4 con nhỏ. Bà đã tự thân vượt qua được những ngày tháng đen tối. Các anh chị trong dự án đã chỉ cho chúng tôi những “công trình” nho nhỏ đã thực hiện để giúp “giảm nhẹ” và tạo điều kiện cho bà có thể làm việc và xoay xở dễ dàng trong nhà, như bậc thềm gỗ, bếp nấu ăn, bồn rửa chén, và nhất là cái hàng rào cuối bếp giúp ngăn xe lăn tay của bà lao xuống rãnh nước. Như để chứng minh cho sự tiến bộ của mình, bà Kết đã tự leo lên giường, và thoăn thoắt thực hiện những động tác như nấu nước, rửa chén…một cách hết sức thuần thục trên chiếc xe lăn của mình.
Bệnh nhân thứ hai chúng tôi đến thăm là bà Nguyễn Thị Huệ, 54 tuổi, bị bại liệt do tai biến. Trước khi có chương trình “chăm sóc giảm nhẹ”, hai chân bà rất yếu, không đi được, chỉ nằm một chỗ. Nay bà đã tự ngồi, đứng lên và mang dép đi lại trong nhà. Đối với trường hợp này, người chăm sóc nhắc nhở: “Lưu ý giúp bà khởi động bằng cách xoa bóp, làm nóng trước khi giúp bà làm các động tác vận động như ngồi, đứng hoặc bước đi…”
Hai bệnh nhân tiếp theo là hai cậu bé cùng 14 tuổi, nhưng bệnh tình hoàn toàn khác nhau. Em Nguyễn Văn Nam biểu lộ mừng rỡ khi thấy đông khách đến nhà. Tuy nói chưa được, Nam nghe hiểu và làm theo những mệnh lệnh đơn giản như lấy nước mời khách, thậm chí mời chọn đúng cô bé xinh xắn nhất đoàn! Nam cũng có thể xếp số thứ tự vào bảng gỗ. Nhóm hỗ trợ đã giúp Nam chỉnh hai bàn chân để đi đứng thăng bằng hơn. Hiện nay Nam đã tiến bộ rõ nét từ khi được tham dự trong dự ánh chăm sóc giảm nhẹ.
Riêng em Đoàn Nhật Khánh là một ca khó về hành vi giao tiếp. Năm 1 tuổi, sau một cơn sốt, não của em không hồi phục bình thường. Từ đó em chìm đắm trong một thế giới riêng của mình. Trước khi được đưa vào chương trình chăm sóc giảm nhẹ, em đưa gì xé nấy, đi đứng toàn chúi nhủi phía trước. Nay sau thời gian chăm sóc, được gắn những bịch cát sau lưng áo, em đi dễ hơn. Đặc biệt là bớt cáu hét nhờ được…nghe nhạc. Đúng là khi giai điệu Bolereo vang lên, em bình thản hơn, nhịp tay, nhịp chân và gật gù theo nhạc!
Trước những kết quả đạt được, cô Lương Thanh Kỳ đại diện nhóm Chăm sóc giảm nhẹ mong sẽ có nhiều dự án tiếp theo để hỗ trợ cho nhiều người khuyết tật khác nữa. Cô bày tỏ:
- Chương trình chăm sóc, mỗi người khuyết tật đều có những khó khăn riêng. Trước tiên các anh chị phải tiếp cận tìm hiểu thật thấu đáo từng trường hợp, xem họ cần hỗ trợ những gì để giảm nhẹ những khó khăn họ gặp phải. Sau đó lên kế hoạch, biện pháp hỗ trợ, theo dõi tiến độ. Và quan trọng nhất là cái tâm yêu thương giúp mình vượt qua những trở ngại ban đầu.
Trước khi kết thúc chuyến tham quan, Soeur Tuyết Minh thay mặt cả đoàn đã cám ơn các anh chị trong dự án Chăm sóc giảm nhẹ ở Định Quán đã kết nối và đồng hành với khóa tập huấn.
Các anh chị học viên đã học được rất nhiều, được lắng nghe, chia sẻ từ những anh chị có kinh nghiệm. Tất cả đều xúc động biết rằng, khi lần đầu tiếp cận các bệnh nhân khuyết tật họ hoàn toàn khác và hầu như tuyệt vọng. Nhưng sau thời gian được hỗ trợ, tập luyện, những người khuyết tật ấy đã hồi sinh. Nhiều trường hợp các anh chị phải thay đi đổi lại nhiều lần để có được những phương pháp hỗ trợ thích hợp. Không những đòi hỏi chuyên môn mà còn có lòng nhiệt huyết, kiên trì của tất cả các anh chị trong dự án. Và hôm nay tất cả thành quả của các anh chị đã thể hiện qua nụ cười, ánh mắt của các bệnh nhân khuyết tật mà chúng tôi có dịp đến thăm ngày hôm nay. Xin cám ơn và xin Chúa chúc phúc cho các anh chị.
Cám ơn ngọn lửa yêu thương mà các anh chị trong dự án “chăm sóc giảm nhẹ” ở Định Quán đã chuyền lại cho chúng tôi.
Ngọn lửa Caritas sẽ bừng cháy, tỏa lan cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tạm biệt Định Quán. Hẹn lần sau trở lại Định Quán tại Thác Mai - Bàu Nước Sôi - Thác Ba Giọt - Hang Dung Nham và Đá Ba Chồng.
Nguyễn Anh
Danh Sách Ân Nhân Đóng Góp
24. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc từ 27/9 - 30/09/2024
23. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 26/09/2024
22. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 25/09/2024
21. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 24/09/2024
20. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 22-23/09/2024
10. Danh Sách Ân Nhân Hỗ Trợ Bão Lụt Miền Bắc 12/09/2024
Copyright © 2018 Bản quyền thuộc về CARITAS TỔNG GIÁO PHẬN TP.HCM
Người online: 20 | Tổng lượt truy cập: 3,451,648